Con đường và cá tính Nguyễn Tất Hoàn

    Con đường và cá tính Nguyễn Tất Hoàn

    Con đường và cá tính Nguyễn Tất Hoàn

    Thêm giỏ hàng thành công.
    CÔNG TY TNHH DU THUYỀN NGỰA BIỂN
    Con đường và cá tính Nguyễn Tất Hoàn

    Con đường và cá tính Nguyễn Tất Hoàn

    25/9/2012

    (Petrotimes) - Nhắc đến Nguyễn Tất Hoàn, không ít người quen biết trong ngành phải phán ngay một câu: “Tay” đó ngang phè phè. Mấy ví dụ sau đây sẽ cho thấy một Nguyễn Tất Hoàn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điều hành thăm dò khai thác dầu khí Đại Hùng (PVEP Đại Hùng) trước đây, Trưởng phòng Điều hành sản xuất Công ty Dầu khí Cửu Long (CLJOC) bây giờ đúng là rất ngang, nhưng là ngang một cách… có lý!

    Chuyện thứ nhất: Đề xuất tạm dừng dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 trong vòng 1 năm

    Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 23/2/2007, với tổng chi phí đầu tư dự kiến là 550 triệu USD (giá dự toán tháng 10/2006) sau đó tổng chi phí đầu tư được hiệu chỉnh và phê duyệt lại là 731,821 triệu USD ngày 3/6/2009.

    Theo mục 2 của quyết định này, Công ty Dầu khí Đại Hùng thuê Viện Dầu khí VPI nghiên cứu nhằm chính xác hóa mô hình địa chất mỏ và cập nhật mô hình khai thác. Sau khi tính toán, phân tích, VPI báo cáo rằng, tổng trữ lượng thu hồi phía nam mỏ Đại Hùng giảm 5 triệu thùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2.

    Khối lượng công việc của dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 gồm: khoan 11 giếng khai thác phía nam mỏ Đại Hùng, đóng giàn cố định DH-02, kết nối ngầm đường ống nội mỏ từ giàn cố định DH-02 về giàn nửa nổi nửa chìm DH-01.

    Nguyễn Tất Hoàn

    Nghiên cứu báo cáo của VPI, Nguyễn Tất Hoàn đã đề xuất xem xét lại phương án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 với lãnh đạo trực tiếp của mình, nhưng vì lý do khách quan là ngày ký hợp đồng với gói thầu kết nối ngầm (sub-sea

    tie-in) nội mỏ đã gần kề, hơn nữa, kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 đã được Thủ tướng phê duyệt, nên không ai có quyền thay đổi nữa.

    Vẫn canh cánh trong lòng rằng, nếu ký hợp đồng gói kết nối ngầm nội mỏ thì phải đóng và lắp đặt giàn cố định DH-02 (tổng hai gói thầu này gần 200 triệu USD) và không còn cơ hội thay đổi phương án phát triển mỏ nữa, trong khi tổng trữ lượng thu hồi giảm 5 triệu thùng, đồng thời biết chỉ có một người đủ khả năng thay đổi quyết định là Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Tất Hoàn đã mạnh dạn xin gặp, trình bày ý kiến và quan điểm của mình về phương án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2. Sau đó Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh đã đồng ý và quyết định tạm dừng dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 một năm để khoan thẩm lượng sau đó mới tiếp tục tiến hành dự án phát triển mỏ nếu kết quả khoan 3 giếng đầu tiên cho kết quả tốt.

    Kể lại thì nghe đơn giản, nhưng không mấy ai biết rằng, Nguyễn Tất Hoàn đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều trước khi gọi điện cho Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh. Vì anh biết, có thể sẽ có nhiều điều không vui xảy ra, thậm chí có thể sẽ dẫn sự nghiệp của anh đi theo một lối rẽ khác. Nhưng hiểu mình đang đi đúng hướng nên anh vẫn sẵn sàng chấp nhận!

    Sau khi mỏ Đại Hùng cho dòng dầu đầu tiên từ dự án phát triển mỏ giai đoạn 2 vào ngày 12/8/2011, nhiều cán bộ lãnh đạo đã nhận ra tâm huyết và ý chí của một cán bộ cấp dưới còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như Nguyễn Tất Hoàn. Hơn thế, mọi người đã hiểu là thời điểm đó anh làm đúng. Một chữ đúng thật nhẹ nhàng biết bao nhưng để có được nó, cần một người dám nói và cần hơn hết là người biết lắng nghe. Thật may mắn, PVN có những con người như thế!

    Việc tạm dừng phát triển mỏ một năm (2009) để khoan thẩm lượng lại còn giúp cho dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 được sử dụng các dịch vụ giá rẻ do giá dầu năm 2009 và năm 2010 giảm hơn so với năm 2008 (giá dầu có lúc lên đến 148-150 USD/thùng) đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn do tiền đầu tư giảm.

    Chuyện thứ hai: Đề xuất khảo sát, sửa chữa giàn DH-01 tại mỏ thay vì tách, kéo và đi sửa

    Sau khi đi khảo sát và sửa chữa giàn DH-01 ở Huyndai Vinashin (từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2004), Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp “Giấy chứng nhận phân cấp” cho giàn DH-01 số 001/05CTB-01, có thời hạn đến ngày 30/8/2009. Theo đó, đến năm 2009 giàn DH-01 phải tháo, tách và kéo đi khảo sát, sửa chữa trên đà (dry dock) để nhận chứng chỉ cho 5 năm tiếp theo.

    Căn cứ vào kết quả khảo sát giàn DH-01 vào tháng 8/2007 cho thấy, tình trạng giàn DH-01 rất tốt, Nguyễn Tất Hoàn đã đề xuất kế hoạch khảo sát, sửa chữa giàn DH-01 ngay tại mỏ Đại Hùng để tiết kiệm chi phí tháo, tách và kéo giàn đi; tránh hỏng các đường ống mềm khai thác dầu trong quá trình tháo tách và gia tăng sản lượng khai thác dầu do thời gian dừng khai thác mỏ để đưa giàn đi ụ khô từ 2 lần (2009 và 2014) rút xuống còn 1 lần (vào năm 2014).

    Nguyễn Tất Hoàn đi khảo sát giàn khoan

    Nguyễn Tất Hoàn được biết đến như là người tiên phong trong việc phát huy nội lực, sử dụng hàng trong nước để dùng cho ngành Dầu khí. Anh là người luôn đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Nguyễn Tất Hoàn luôn khuyến khích để việc các nguyên vật liệu cung cấp cho ngành Dầu khí đều được sản xuất trong nước, nhằm đảm bảo không thất thoát lượng tiền ra nước ngoài vì giá thành cao và tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, hàng sản xuất trong nước góp phần tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp liên quan. Nguyễn Tất Hoàn đã đoạt giải Nhất đề tài “Khảo sát giàn DH-01 (Đại Hùng) tại chỗ để lấy chứng chỉ phân cấp 5 năm thay vì phải tháo, tách và kéo giàn DH-01 đi khảo sát, sửa chữa trên đà (dry dock)” và giải Ba là “Xử lý axít cận đáy giếng ngầm mỏ Đại Hùng” trong Hội thi Sáng tạo dầu khí 2009-2010. Hai sáng kiến đã tiết kiệm và làm lợi cho PVN 71 triệu USD.

    Khảo sát một giàn nửa nổi nửa chìm ngay tại mỏ là việc hoàn toàn mới trong ngành Dầu khí Việt Nam vì phải mở nắp đậy các két dằn (ballast tanks) để chui vào khảo sát tại mỏ đồng nghĩa với việc giàn DH-01 sẽ bị nghiêng, lật hoặc chìm nếu không kiểm soát được nước biển tràn vào các két dằn qua các lỗ đó trong quá trình mở nắp để khảo sát. Giải thích kỹ hơn một chút là: Trong quy phạm không cho phép khảo sát tại chỗ giữa 2 lần lên đà (dry docking survey) mà phải tách, kéo giàn DH-01 vào ụ (dry dock) để khảo sát cho nên Cục Đăng kiểm Việt Nam không đồng ý với đề xuất của Công ty Dầu khí Đại Hùng về việc khảo sát và sửa chữa tại mỏ và yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

    Khi nghe thông báo Cục Đăng kiểm Việt Nam không đủ thẩm quyền quyết định việc thay kiểm tra định kỳ trên đà (dry docking survey) bằng kiểm tra định kỳ tại mỏ đối với giàn DH-01 mà phải trình lên xin phép cấp có thẩm quyền (ở đây là Thủ tướng Chính phủ) vì việc khảo sát tại mỏ thay cho khảo sát trên đà là chưa có tiền lệ, không có quy định trong TCNV 5309:2001), Nguyễn Nguyễn Tất Hoàn vẫn quyết tâm theo đuổi việc này đến cùng…

    Để được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho Công ty Dầu khí Đại Hùng khảo sát tại chỗ giàn DH-01 ở mỏ, Nguyễn Tất Hoàn và các cộng sự của mình đã phải mất gần 3 tháng để lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Ba tháng ròng rã với rất nhiều những tranh luận, rất nhiều những đề xuất, rất nhiều vướng mắc, cuối cùng đã có được biên bản với kết luận: Bộ Công Thương sẽ đề xuất lên Thủ tướng cho phép kiểm tra dưới nước và kiểm tra định kỳ như quy định. Trong trường hợp phát hiện khuyết tật mà không sửa chữa được tại mỏ thì Công ty Dầu khí Đại Hùng sẽ tách và đưa giàn DH-01 đi đà.

    Ngày 14/7/2008, bằng Công văn số 4598/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ do Phó chủ nhiệm Văn Trọng Lý ký, gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Đồng ý việc kiểm tra dưới nước thay cho kiểm tra trên đà và kiểm tra định kỳ đối với giàn khai thác dầu khí Đại Hùng 01…”.

    Với kết luận này, ngay tại mỏ Đại Hùng đã mở ra hướng và cách làm tương tự vào năm 2019, khi giàn DH-01 phải khảo sát định kỳ 5 năm sau khi có chứng chỉ năm 2014 (từ 8/2014 đến 8/2019).

    4 năm sau, nhắc lại sự việc này, Nguyễn Tất Hoàn vẫn thấy lâng lâng. Anh nói, nếu không có sự ủng hộ nhiệt thành của Giám đốc Công ty Dầu khí Đại Hùng Hoàng Bá Cường (nay là Tổng giám đốc PVEP POC), tập thể Công ty Dầu khí Đại Hùng, các lãnh đạo PVEP, PVN, Vụ Năng lượng Bộ Công Thương, Vụ Kinh tế ngành Văn phòng Chính phủ, Chi cục Đăng kiểm 9, v.v… thì “sự kiện” này đã không thành công mỹ mãn như vậy.

    Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong dự án này mà chúng tôi khó có thể liệt kê hết trong khuôn khổ của một bài báo. Chỉ biết rằng, trong quãng thời gian từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành xong đề xuất đó (khoảng 2 năm), Nguyễn Tất Hoàn khi ngủ vẫn mơ về Giàn DH-01. Cho dù bị mang tiếng là gàn dở, lập dị, thậm chí “diễn đàn dầu khí” trên mạng cũng bàn ra tán vô là sẽ không thành công, nhưng cuối cùng, “con đường gian khó” của Nguyễn Tất Hoàn đã cán đích. Dự án thành công, tiết kiệm rất nhiều tiền cho nhà nước, PVN, PVEP.

    Và đâu là điều... chán chết

    Nguyễn Tất Hoàn tốt nghiệp Khoa Khai thác Dầu khí, Học viện Dầu khí Bacu năm 1995, nơi các lãnh đạo chủ chốt của ngành Dầu khí từng được đào tạo. Khi mới ra trường anh làm kỹ sư công nghệ Giàn 2, Đốc công khai thác BK-4 của Xí nghiệp Khai thác Vietsovpetro. Chỉ sau 5 năm, anh được đề bạt làm Giàn phó khai thác giàn bán chìm DH-01 rồi Giàn trưởng của Công ty dầu khí Đại Hùng thuộc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí. Tháng 2/2007, Nguyễn Tất Hoàn làm Phó giám đốc sản xuất Công ty Dầu khí Đại Hùng thuộc PVEP khi anh mới 35 tuổi.

    Nguyễn Tất Hoàn (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp

    Nguyễn Tất Hoàn là người say việc. Say đúng nghĩa của từ này. Có nghĩa là làm quên cả mọi thứ: ăn, nghỉ, giải trí và đôi khi… cả gia đình. Chuyện Nguyễn Tất Hoàn là người ra về sau cùng trong cơ quan là chuyện thường ngày. 18 giờ, vẫn tít mù với đống công việc, điện thoại, giấy tờ, đọc - ký liên tu liên hồi. 19 giờ, khi tôi đến “tham quan” căn  phòng làm việc nửa sang trọng nửa lạ lùng của Nguyễn Tất Hoàn ở lầu 11 cao ốc Diamond Plaza tại trung tâm Sài Gòn vẫn chưa thấy một chút gì đó là dấu ấn của sự mỏi mệt. Giữa cuộc chuyện trò là tập tài liệu. Giữa tập tài liệu là các cú điện thoại. Giữa ngổn ngang các con số, có thể là một vài câu châm ngôn, triết lý sống mà Nguyễn Tất Hoàn tâm đắc. Có vẻ như, Trưởng phòng Điều hành sản xuất Công ty Dầu khí Cửu Long không hẳn là một người chỉ biết làm việc như thể đó là lẽ sống duy nhất, đấu tranh đến cùng cho cái “đúng” và những điều có lợi cho PVN như thể đó là mục tiêu sự nghiệp duy nhất, mà còn là một người rất… lãng mạn. Chí ít, trong mắt tôi.

    Đang trả lời phỏng vấn, Nguyễn Tất Hoàn có thể đột ngột hỏi một câu lãng xẹt: Bạn thấy chỗ ngồi của tôi có đẹp không? Sáng đón ánh bình minh, đêm làm bạn với trăng sao đấy nhé!

    Đang nói về tuyển dụng, Nguyễn Tất Hoàn có thể bất thình lình khiến người đối diện phải lúng túng bởi những câu hỏi chẳng tuyển dụng chút nào. Tỷ như có đam mê cái gì không? Rồi kết luận xanh rờn: Đàn ông mà chẳng mê cái gì thì… chán chết.

    Thế nhưng, điều “chán chết” đối với Nguyễn Tất Hoàn lại là sự thiếu hụt cạn vơi nhiệt huyết đối với công việc. Với Nguyễn Tất Hoàn, phẩm chất đầu tiên nên có của một người được xem là lao động giỏi trong nghề này là tri thức, bản lĩnh, dám đề xuất và thuyết phục đến cùng các cấp lãnh đạo đồng ý cho các đề án, ý tưởng của mình đi vào thực tế. Nhưng một khi đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp, thì điều cần có tiếp theo là giữ được nhiệt huyết. Chứ không phải là sự thỏa mãn ngủ say trên thành tích. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất đối với anh. Nguyễn Tất Hoàn sợ nhất là những người chẳng còn yêu cái gì, chẳng thiết tha với công việc nào. Lý tưởng sống, có vẻ như từ này đang bị xa lạ hóa giữa ồn áo phố xá và nhịp thở gấp gáp của thời @. Nhưng với Nguyễn Tất Hoàn, một công dân 7X, thì đã và luôn giữ được trong trái tim mình ngọn lửa đó! Đam mê, sẵn sàng đốt cháy đến tận cùng nguồn năng lượng mình có cho ngành, nghề dầu khí mà anh đã đang gắn bó, đeo đuổi hơn một thập kỷ của đời người.

    Bài viết này, chúng tôi không có ý định kể về những việc mà Nguyễn Tất Hoàn đã làm được, mà muốn nói về con đường anh đã đi qua để có được nó. Một con đường thể hiện rõ rệt nhất cá tính của một con người làm việc trong một ngành nghề được xem là một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia.

    Cá tính Nguyễn Tất Hoàn!

    “Với đồng nghiệp, Nguyễn Tất Hoàn là người rất chan hòa, gần gũi, không có khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, cùng chia sẻ khó khăn với anh em trong công việc, xử lý nhanh vấn đề, thấu đáo và đầy tính hợp tác, không cho mình có quyền của quản lý. Đồng thời, anh luôn đưa ra kế hoạch mới, táo bạo và theo đuổi đến cùng” - Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên viên chính Vật tư khoan, Công ty Dầu khí Cửu Long.

    “Từ khi anh Hoàn về Cửu Long JOC, anh luôn muốn áp dụng “Người Việt dùng hàng Việt” nên trong quá trình mua sắm thiết bị cho công ty, anh muốn mua thiết bị của các công ty trong nước sản xuất. Trong quá trình bảo trì máy móc, thiết bị, nếu anh thấy kỹ sư người Việt có khả năng sáng tạo, làm tốt thì anh sẽ sẵn sàng giao việc, anh rất tin tưởng nhân viên cấp dưới” - Trịnh Văn Tuấn, kỹ sư bảo trì thiết bị Công ty Dầu khí Cửu Long.

    Lê Chi

    Chia sẻ:
    0